Tự sát theo góc nhìn của tâm lý học (phần 2)

(Thời gian gần đây vấn đề tự sát trở nên nóng hơn bao giờ hết. Truyền thông đưa nhiều trường hợp tự sát ở lứa tuổi vị thành niên khiến cho nhiều cha mẹ lo lắng khi đang có con ở độ tuổi này. Hãy cùng chúng tôi nhìn nhận rõ nét nhất về tự sát theo một số góc nhìn của các nhà tâm lý học và các thuyết tâm lý nổi tiếng trên thế giới, để xem nhiều góc nhìn đa chiều về hành vi tự sát).

Liệu pháp hành vi biện chứng (Dialectical Behavior Therapy – DBT):

  • DBT là một dạng của liệu pháp CBT ban đầu được thiết kế để trị liệu cho những người có ý tưởng tự sát và tự làm hại bản thân đáp ứng các tiêu chí của rối loạn nhân cách ranh giới.
  • Theo DBT, tự sát có thể coi là nỗ lực của thân chủ nhằm giải quyết một vấn đề, thường là những nỗi đau dữ dội về mặt tinh thần mà thân chủ cảm thấy không thể thay đổi hoặc không thể chịu đựng được. Vì vậy, để giảm nguy cơ tự sát tức thời cũng như phòng ngừa lâu dài, nhà trị liệu phải giúp thân chủ xác định được và thực hiện được các giải pháp thay thế, sao cho việc tự sát không còn là một lựa chọn khi gặp một vấn đề. Như đã nhắc đến ở trên, theo CBT cũng như DBT, việc thiếu kỹ năng điều tiết cảm xúc là một trong những nguyên nhân dẫn đến trẻ vị thành niên có các hành vi tự sát và tự làm hại bản thân. Trên nền tảng CBT, DBT giữ phương pháp hướng dẫn các kỹ năng và thay đổi động lực, nhưng DBT tập trung nhiều vào sự thay đổi để làm giảm nguy cơ lặp lại hành vi tự sát trong tương lai dài hạn, vì vậy DBT dạy cho thân chủ bốn bộ kỹ năng hành vi là điều tiết cảm xúc, chấp nhận nỗi đau, cải thiện các mối quan hệ và sống tích cực. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng các kỹ năng DBT giúp giảm hành vi tự sát và tự gây thương tích, tuy nhiên hiện tại các mẫu nghiên cứu thiên về giới nữ nhiều hơn nam giới. Nghiên cứu về hiệu quả của liệu pháp này trên trẻ vị thành niên mới chỉ ở mức khám phá (Andrada D. Neacsiu, Marsha M. Linehan, Shireen L. Rizvi, 2010). DBT thực hiện với trẻ vị thành niên cũng cần kết hợp chặt chẽ với tham vấn, trị liệu gia đình thông qua điện thoại và / hoặc gặp mặt trực tiếp (Cameron Neece, Michele Berk, 2013).
  • Đọc thêm: Mẹo nhỏ tâm lý

Liệu pháp Nhận thức – Hành vi Gia đình (Cognitive-Behavioral Family Therapy – CBFT):

  • Liệu pháp Nhận thức – Hành vi Gia đình CBFT là một sự kết hợp giữa DBT, CBT truyền thống và cách tiếp cận trị liệu gia đình, đặc biệt hay được sử dụng cho trẻ em và trẻ vị thành niên. Cách tiếp cận này cho rằng, những nhận thức liên quan đến gia đình của cá nhân đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành những kỳ vọng của họ với cuộc sống gia, với các mối quan hệ xung quanh và cách họ trải nghiệm, phản ứng với những kỳ vọng ấy (Andrew I. Schwebel, Mark A Fine, 1992). CBFT lý giải những vấn đề về tâm lý trẻ em và trẻ vị thành niên gặp phải cũng xuất phát từ những niềm tin sai lệch mà trẻ được học và củng cố trong suốt quá trình phát triển, thêm vào đó cách tiếp cận này còn nhấn mạnh vào sự tương tác, ảnh hưởng qua lại của nhận thức, cảm xúc, hành vi và mối quan hệ của các thành viên trong gia đình lên nhau và lên trẻ (Friedberg, 2006).
  • Dựa trên những nền tảng lý thuyết chung và quan điểm của CBFT về rối loạn tâm lý, các nhà trị liệu và nghiên cứu đã xây dựng chương trình SAFETY (Safe Alternatives for Teens and Youths – Giải pháp thay thế an toàn cho thanh thiếu niên), áp dụng liệu pháp gia đình vào can thiệp giảm ý tưởng và hành vi tự sát ở trẻ vị thành niên và người trẻ. Đã có những nghiên cứu chứng minh tính hiệu quả của phương pháp này (Joan Rosenbaum Asarnow, Michele Berk, Jennifer L. Hughes, Nicholas L. Anderson, 2015; Joan Rosenbaum Asarnow và đồng nghiệp, 2017).
  • Trường phái nhân văn thường được áp dụng rộng rãi trong tham vấn và trị liệu nói chung. Theo Nhân văn Vương quốc Anh (trước đó là Hiệp hội Nhân văn Anh) (2007), những người theo trường phái nhân văn nhìn chung tin rằng một người tìm đến tự sát khi họ nhận thấy cuộc sống của họ không còn ý nghĩa và họ rơi vào trạng thái hoàn toàn vô vọng, và tự sát là lựa chọn duy nhất để họ không còn cảm thấy gì và thoát khỏi đau khổ. Có nhiều phương pháp và chiến lược được phát triển từ quan điểm cốt lõi của trường phái này trong tiếp cận các trường hợp có ý tưởng và hành vi tự sát, đồng thời cũng có nhiều biến thể của lý thuyết.

Thuyết tự chủ (Self-Determination Theory – SDT):

  • Thuyết tự chủ chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi quan điểm của trường phái nhân văn (Sander L. Koole, Caroline Schlinkert, Tobias Maldei, Nicola Baumann, 2018). Thuyết tự chủ nói về mối liên hệ giữa sự tự chủ và động lực của cá nhân. Các tác giả của lý thuyết này nhận định rằng, một cách tự nhiên mọi người đều thích khám phá thế giới, sinh ra đã có động lực để khám phá và cải thiện bản thân khi có điều gì đó không ổn (Peter C. Britton, Geoffrey C. Williams, Kenneth R. Conner, 2008). SDT cho rằng động lực tinh thần của con người có thể được chia ra làm hai phân loại lớn, dựa trên tương quan giữa động lực và hành vi: động lực nội tại (intrinsic motivation) giúp duy trì các hành vi một cách tự nguyện và động lực ngoại lai (extrinsic motivation) được tạo ra dưới một hình thức điều chỉnh, kiểm soát nào đó; bên cạnh đó, mỗi cá nhân có ba nhu cầu tinh thần cơ bản cần đáp ứng: tự chủ (autonomy) – nhu cầu tự làm chủ hành vi của mình., năng lực (competence) – nhu cầu về cảm giác có thể đạt được kết quả như mong muốn, và kết nối (relatedness) – nhu cầu được kết nối, an toàn, được thuộc về (dẫn theo Trung, 2018). Khi được thỏa mãn ba nhu cầu này, con người sẽ bắt đầu tự điều chỉnh để thúc đẩy sự phát triển của động lực nội tại và cảm nhận hạnh phúc sẽ tăng lên (Sander L. Koole, Caroline Schlinkert, Tobias Maldei, Nicola Baumann, 2018).
  • Giống CBT, SDT lý giải cảm giác vô vọng sinh ra từ những sự kiện tiêu cực trong cuộc sống là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ý tưởng tự sát (Julien S Bureau, Geneviève A Mageau, Robert J Vallerand, François L Rousseau, Joanne Otis, 2012). Tiếp đó là vấn đề ba nhu cầu cơ bản không được đáp ứng (Holmström, 2020). Liên quan đến vấn đề này, nhiều nhà lâm sàng và nghiên cứu quan sát được nhiều phương pháp hỗ trợ thân chủ có ý tưởng và hành vi tự sát có tính khiên cưỡng và xung đột với nhu cầu tự chủ về việc được chết của thân chủ (ví dụ nhập viện, cam kết không tự sát,…), điều này gây ra những áp lực thứ phát cho thân chủ và nhà trị liệu, thậm chí có thể khiến vấn đề của thân chủ trầm trọng hơn (Peter C. Britton, Geoffrey C. Williams, Kenneth R. Conner, 2008; Holmström, 2020). SDT có tác dụng khơi gợi những động lực nội tại của thân chủ, giảm sự tác động của yếu tố bên ngoài, hoặc được đưa vào trong can thiệp tự sát với vai trò giúp thân chủ tham gia và gắn kết với quá trình trị liệu hơn (Peter C. Britton, Geoffrey C. Williams, Kenneth R. Conner, 2008).
  • Ngoài ra, cũng có rất nhiều phương pháp tiếp cận khác được sử dụng và có nghiên cứu minh chứng về tính hiệu quả trong việc can thiệp và phòng ngừa tự sát. Mỗi phương pháp lại có những cách lý giải khác nhau về tự sát nói chung và tự sát ở trẻ vị thành niên nói riêng, từ đó đưa ra những chiến lược can thiệp khác nhau. Liệu pháp nhận thức để ngăn ngừa tự sát (CT-SP) là một biến thể khác của liệu pháp nhận thức – hành vi, lý giải một người tự sát quyết định tìm đến cái chết khi phải chịu quá nhiều những yếu tố gây căng thẳng nhưng không có kỹ năng ứng phó hiệu quả, vì vậy nhà trị liệu cần tập trung vào các kỹ năng ứng phó với những yếu tố gây căng thẳng có thể kích hoạt ý tưởng và hành vi (Amy Wenzel, Shari Jager-Hyman, 2012). Kết hợp đánh giá và quản lý tình trạng tự sát (CAMS) là một khung trị liệu dành riêng cho tự sát được mô tả là “phi trường phái”, áp dụng phương pháp tiếp cận hiện tượng học để hiểu về tình trạng của thân chủ, từ đó lập kế hoạch trị liệu dành riêng cho từng trường hợp (David A. Jobes, Josephine S. Au, Asher Siegelman, 2015).

Lý thuyết Tâm lý-Liên cá nhân về Tự sát (IPTS) do Joiner phát triển năm 2005 giải thích tự sát dựa trên mối tương quan của cảm giác trở thành gánh nặng cho người khác (“gánh nặng nhận thức”) và việc bị xã hội xa lánh (“cảm giác thuộc về bị cản trở”), cá nhân sẽ thực hiện hành vi tự sát khi vượt qua được cơ chế tự bảo vệ gọi là “nỗi sợ cái chết”. Lý thuyết Ba bước (3ST) của Klonsky và May, xuất bản năm 2015, đề xuất rằng nỗi đau và sự vô vọng là những yếu tố chính gây ra ý tưởng và hành vi tự sát. Nếu nguyên nhân của cơn đau (tâm lý, giữa các cá nhân và / hoặc cơn đau thể chất, hoặc cấp tính hoặc mãn tính) được giải quyết, hoặc khi có hy vọng rằng cơn đau sẽ giảm dần theo thời gian hoặc nỗ lực, ý tưởng và hành vi tự sát cũng giảm dần và biến mất.

Mô hình Lý thuyết Động lực-Động lực Tích hợp (IMV) của O’Connor công bố vào năm 2011 lại khác với IPTS một chút khi giải thích sự xuất hiện của ý tưởng và hành vi tự sát do trải nghiệm thất bại và cảm giác bị trói buộc, bị mắc kẹt, đồng thời bổ sung những yếu tố nguy cơ khác, như tính bốc đồng, có thể góp phần vào sự tiến triển từ ý tưởng thành hành vi tự sát (D. De Beurs, E.I.Fried, K.Wetherall, S.Cleare, D.B.O’ Connor, E.Ferguson, R.E.O’Carroll, R.C.O’ Connor, 2019).

Do yêu cầu của thực tế, nhiều nhà lâm sàng đã phát triển những liệu pháp can thiệp nhanh và ngắn ngày, một trong những phương pháp tiêu biểu nhất là lập cam kết “không tự làm đau” hoặc “không tự sát” nhằm tăng cường sự tham gia trị liệu cho thân chủ và cho thân chủ, những người được nhận định là vô vọng, có mong chờ và hi vọng. Phương pháp Can thiệp ngắn hạn được O’Connor và các đồng nghiệp phát triển nhằm mục đích thúc đẩy sự thay đổi khi có cơ hội xuất hiện sau một nỗ lực tự sát bất thành, từ đó tăng động lực thay đổi các hành vi nguy cơ (David A. Jobes, Josephine S. Au, Asher Siegelman, 2015).

Đánh giá và tham vấn tại Braincare

Chúng tôi có đội ngũ chuyên gia tâm lý, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm đánh giá, tham vấn, trị liệu, chẩn đoán uy tín, mang đến lợi ích cho khách hàng. 

Braincare hướng tới trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu về lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ tinh thần tại Việt Nam, làm thay đổi thói quen và nhận thức của người Việt Nam trong việc chú trọng sức khoẻ tinh thần và tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết. Braincare “Vì cộng đồng hạnh phúc từng giây”.

Đăng kí tư vấn