Phát triển tư duy & Piaget

  • Trong khoảng thời gian một năm đầu đời, khả năng vận động của trẻ không ngừng phát triển. Gán vào lý thuyết của Piaget, đây là giai đoạn cảm giác vận động – giai đoạn phát triển đầu tiên của con người, còn trong lý thuyết của trường phái tâm lý học hoạt động thì giai đoạn này được gọi là giai đoạn tư duy thủ công hay tư duy trực quan hành động. Đến quãng tháng thứ 5 thứ 6, không chỉ là các vận động thô mà còn cả các vận động tinh khá phức tạp gắn với khả năng tri giác tổng thể dần dần xuất hiện. Trẻ bắt đầu có những hành động có định hướng, bắt đầu với, cầm, nắm, sờ vật một cách chính xác. Khoảng tháng thứ 10, trẻ có những hoạt động chức năng đầu tiên nhờ bắt chước người lớn và lĩnh hội được những nguyên tắc hành động đầu tiên (ví dụ đưa cốc lên miệng để uống nước,…). Những điều này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của tri giác và vận động, là cơ sở cho sự phát triển những hình thức đầu tiên của tư duy trực quan hành động xuất hiện vào quãng tháng thứ 10, 11.
  • Theo lý thuyết của Piaget, giai đoạn cảm giác – vận động lại được chia thành 6 thời kì nhỏ. Trong đó thời kì 5 (thời kì Vòng thứ ba, từ tháng thứ 12 đến 18) báo hiện cho sự xuất hiện trí tò mò, trẻ rất tích cực tìm hiểu các mối liên hệ và phương tiện mới, rất thích phát hiện cách sử dụng các vật dụng với mục đích mới; đây là tiền đề cho thời kì 6 (tháng thứ 18 đến tháng thứ 24) tư duy bắt đầu biểu hiện. Đây là thời kì đánh dấu bước chuyển quan trọng trong phát triển trí tuệ khi trẻ bắt đầu giải quyết vấn đề thông qua kết hợp các dấu hiệu, biểu tượng và hình ảnh trí tuệ (Collete Gray; MacBlain, 2014). Trong giai đoạn này có hai cách chủ yếu để trẻ phát hiện các mối quan hệ là thử sai với kết quả ngẫu nhiên hoặc quan sát / bắt chước, trong đó quan sát / bắt chước là phương pháp hiệu quả nhất. Do vậy vai trò của người hướng dẫn là rất quan trọng, người lớn cần tích cực tạo điều kiện và gợi mở cho trẻ.

Đọc thêm: Dạy trẻ tự kỷ bắt chước và chơi giả vờ

  • Theo lý thuyết của Piaget, khi trẻ 2 tuổi, trẻ bước vào giai đoạn tiền thao tác với lượng biểu tượng trong não trẻ tăng vọt, trẻ bắt đầu sử dụng chúng để diễn tả các sự kiện, sự vật xung quanh tốt hơn. Trẻ hình thành biểu tượng đơn giản như quần áo là để mặc, giày dép để đi vào chân, quả bóng có hình tròn, nảy và chơi được… Trẻ cũng biết dùng vật này thay thế vật khác, ví dụ như nhìn thấy các đồ vật hình chữ nhật đều đưa lên tai để alo. Việc có nhiều biểu tượng và sử dụng tốt chúng là nền tảng cho khả năng tư duy tốt. Như các nhà tâm lý học Xô viết cũng có đề cập, ở khoảng 2 tuổi rưỡi đến 3 tuổi, hầu hết trẻ em đều rất tích cực hoạt động với đồ vật, nhờ vậy số lượng biểu tượng phát triển khá mạnh, đồng thời giúp trẻ có khả năng so sánh, khái quát và nhận biết được những vật cùng loại, ví dụ trẻ nhận ra quả bóng dù to hay nhỏ, màu sắc khác nhau như thế nào, mềm hay cứng, nhưng chỉ cần tròn, nảy được và chơi được thì là quả bóng. Điều này rất quan trọng cho sự phát triển ngôn ngữ và tư duy.
  • Đến năm 3 tuổi, trẻ đã có thể biết suy nghĩ và bảy tỏ thái độ cũng như sử dụng lời nói để thể hiện những gì trẻ nghĩ, thậm chí so sánh các hiện tượng với nhau. Trẻ bắt đầu chuyển biến mạnh từ tư duy trực quan – hành động sang tư duy trực quan – hình tượng, trẻ không chỉ có gắn vật thật với hình tượng bên ngoài mà còn có thể thao tác với hình ảnh, biểu tượng trong đầu. Trong khoảng thời gian từ 4 đến 6 tuổi kiểu tư duy này chiếm ưu thế và phát triển mạnh mẽ, song tư duy ở giai đoạn này chỉ dựa trên hình ảnh trực giác bên ngoài nên còn cảm tính và chưa chính xác. Piaget chia 2 đến 4 tuổi là tư duy tiền khái niệm bởi trẻ chưa phân biệt được dấu hiệu bên ngoài và bản chất bên trong, còn 4 đến 6 tuổi là tư duy cảm tính vì trẻ chỉ dựa trên những gì trẻ trực tiếp nhìn thấy. Trẻ trong khoảng 2 tuổi đến 4 có thể không giải thích được vì sao con thuyền to và nặng nhưng có thể nổi trên mặt nước; còn trẻ trong khoảng 4 đến 6 tuổi sẽ có kết quả sai khi làm những bài tập về tính bảo toàn.

“Bố mẹ chạy đi đâu khi con mắc rối loạn bướng bỉnh chống đối”, tìm hiểu thêm tại đây.

  • Đến khoảng hết tuổi mẫu giáo, khả năng tư duy khái quát của trẻ dần tốt hơn, trẻ bớt dần tư duy cảm tính. Khoảng 6 đến 11 tuổi là khoảng thời gian tư duy phát triển mạnh mẽ nhất, trẻ bắt đầu có khả năng lý giải logic và sử dụng các thao tác trí tuệ khác, đó là lí do 6-7 tuổi là độ tuổi thích hợp để trẻ vào lớp 1. Trẻ đã có thể nhận biết được nếu nước đổ từ cốc cao sang cốc thấp hơn thì lượng nước vẫn giữ nguyên. Ở cuối lứa tuổi này ta bắt đầu có thể thấy khả năng tư duy nổi trội ở từng trẻ. Tuy nhiên ở giai đoạn này trẻ mới chỉ thực hiện được thao tác tư duy dựa trên dữ liệu cụ thể và có thật, do đó, lý thuyết của Piaget gọi đây là giai đoạn thao tác cụ thể.

Nếu trẻ mắc rối loạn phát triển ở trẻ, bạn có thể tìm hiểu thêm tại đây.

  • Từ 11, 12 tuổi trở đi, hay còn là tuổi thiếu niên, tư duy của trẻ phát triển lên một trình độ mới, trong tâm lý học hoạt động gọi là tư duy trừu tượng, còn Piaget gọi đây là giai đoạn thao tác hình thức, đỉnh cao trong phát triển tư duy của con người. Nếu đạt đến giai đoạn này, trẻ đã có thể khái quát, logic, độc lập với môi trường và tình huống cụ thể. Trẻ có thể tư duy có tính biểu tượng, tượng trưng, có khả năng giải những bài toán với ẩn số được kí hiệu là x, y, z. Tư duy của trẻ hoàn toàn không bị hạn chế bởi kinh nghiệm cá nhân và thực tại. Khả năng tư duy thao tác hình thức là khả năng hình thành, kiểm chứng và đánh giá giả thuyết. Trẻ thích tưởng tượng về tương lai hoặc bàn luận những giả thuyết không thực như ‘Sẽ ra sao nếu Trái Đất ngừng quay’. Trình độ tư duy này được coi là trình độ tư duy khoa học, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra không phải ai cũng đạt được đến trình độ này, và dù có đạt đến trình độ này rồi thì không phải lúc nào con người cũng sử dụng nó một cách hợp lý.

Đánh giá và tham vấn tại Braincare

Chúng tôi có đội ngũ chuyên gia tâm lý, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm đánh giá, tham vấn, trị liệu, chẩn đoán uy tín, mang đến lợi ích cho khách hàng. 

Braincare hướng tới trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu về lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ tinh thần tại Việt Nam, làm thay đổi thói quen và nhận thức của người Việt Nam trong việc chú trọng sức khoẻ tinh thần và tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết. Braincare “Vì cộng đồng hạnh phúc từng giây”.

Đăng kí tư vấn