Tự sát theo góc nhìn của tâm lý học (phần 1)

Thời gian gần đây vấn đề tự sát trở nên nóng hơn bao giờ hết. Truyền thông đưa nhiều trường hợp tự sát ở lứa tuổi vị thành niên khiến cho nhiều cha mẹ lo lắng khi đang có con ở độ tuổi này. Hãy cùng chúng tôi nhìn nhận rõ nét nhất về tự sát theo một số góc nhìn của các nhà tâm lý học và các thuyết tâm lý nổi tiếng trên thế giới, để xem nhiều góc nhìn đa chiều về hành vi tự sát.

Nổi tiếng nhất trong các lý thuyết về tự sát cần được kể đến là công trình nghiên cứu mang tên Tự sát của nhà xã hội học Émile Durkheim (1818-1917). Durkheim cho rằng hành vi tự sát là hành vi lệch lạc, vừa mang tính cá nhân vừa mang tính xã hội, tỷ lệ tự sát xã hội bị chi phối nhiều bởi tập thể xã hội (dẫn theo Trương Văn Vỹ, 2011). Qua thu thập và khảo sát gần 26.000 ca tự sát, Durkheim đã phân tự sát ra làm bốn loại khác nhau:

  • Loại thứ nhất, Durkheim đặt tên là Tự sát vị kỷ (suicide égoïste), đây là những trường hợp tự sát ở những người có ít liên kết với xã hội như những người già bị bỏ rơi, người độc thân.
  • Loại thứ hai, Tự sát vị tha (suicide altruiste), ở những người có rất nhiều liên kết và rất sâu sắc với xã hội như những chỉ huy quân sự tự bắn vào đầu mình khi bị thua trận, những chính trị gia tự sát khi bị mất tín nhiệm.
  • Loại thứ ba, Tự sát tan rã (suicide anomique), ở những người thấy thiếu hoặc mất phương hướng do những biến đổi quá nhanh về các chuẩn mực, quy ước, đạo đức của xã hội như các thanh niên tự sát trong giai đoạn xã hội có những thay đổi lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa cho dù điều kiện gia đình thuộc loại đầy đủ.
  • Loại thứ tư, Tự sát định mệnh (suicide fataliste), ở những người cảm thấy các ràng buộc, áp chế của xã hội đè lên mình quá nặng, sự tự do cá nhân bị ép quá chặt như tự sát ở những người nô lệ, công nhân bị vắt sức lao động, những người bị ngược đãi, bất công (dẫn theo Vũ Thị Thanh, Nguyễn Trung Hiếu, 2007).

Tương tự với lý thuyết của Durkheim, các lý thuyết tâm lý nhấn mạnh tới mối tương quan của tự sát và những cơn đau tâm lý kéo dài, đều đặt hành vi và ý tưởng tự sát của một cá nhân trong sự ảnh hưởng của các mối quan hệ xung quanh cá nhân đó, đặc biệt là trong trường hợp của trẻ vị thành niên (Ann Vander Stoep., Elizabeth McCauley, Cynthia Flynn, Andrea Stone, 2009; Yossi Levi-Belz, 2019; Bonnie Harmer, 2020).

Trường phái nhận thức – hành vi (CBT) là cách tiếp cần có nhiều bằng chứng về hiệu quả ngắn hạn trong việc giảm các triệu chứng rối loạn tâm thần có liên quan đến việc tăng nguy cơ tự sát, bao gồm trầm cảm, lo âu và loạn thần. Các báo cáo lâm sàng trên diện rộng chỉ ra rằng, ý tưởng và hành vi tự sát giảm đáng kể sau khi áp dụng CBT với rối loạn trầm cảm (Louise Mewton, Gavin Andrews, 2016). Có thể khái quát quan điểm của CBT về tự sát vị thành niên theo mô hình sau:

Mô hình 1.1: Minh họa CBT giải thích về tự sát ở trẻ vị thành niên (A Spirito, C Esposito-Smythers, 2012)

Theo góc nhìn của lý thuyết nhận thức – hành vi, ý tưởng và hành vi tự sát ở trẻ vị thành niên tương tự với các rối loạn tâm thần khác, bị gây ra bởi hệ thống niềm tin sai lệch được đúc kết sau quá trình trải nghiệm và học tập. Như sơ đồ trên, hành vi và ý tưởng tự sát xảy ra khi có một hoặc nhiều yếu tố kích thích đủ mạnh tác động vào những niềm tin sai lệch, trên nền tảng quan hệ củng cố hai chiều với các hành vi và cảm xúc kém thích nghi (A Spirito, C Esposito-Smythers, 2012). A.T. Beck (1979) từng phân tích những người trầm cảm có hành vi tự sát thường tự coi mình là khiếm khuyết, không phù hợp với xã hội, có bệnh, vì vậy họ nhìn nhận bản thân là người vô giá trị và vô dụng; họ nghĩ không có ai thực sự quan tâm đến mình. Họ cảm thấy các vấn đề vượt khỏi tầm kiểm soát và không có cách nào để xử lý hiệu quá; họ mất niềm tin vào cuộc sống và bỏ cuộc. Cảm giác vô vọng là yếu tố chính góp phần vào sự phát triển các suy nghĩ và hành vi tự sát. Cảm giác vô vọng này có thể xuất phát từ việc thiếu các kỹ năng đương đầu và giải quyết vấn đề, không tin bản thân có các nguồn lực bên trong và bên ngoài để giải quyết các vấn đề (Matthews, 2013). Nỗi đau cả về mặt thể chất lẫn tin thần cũng được các nhà trị liệu theo trường phái nhận thức – hành vi nhắc tới như một yếu tố quan trọng thúc đẩy một người hình thành ý tưởng tự sát hoặc có hành vi tự sát (Shneidman, 2001; Nadine J. Kaslow, 2014). Dù có những bằng chứng về hiệu quả ngắn hạn nổi trội, bằng chứng về hiệu quả lâu dài của CBT với trị liệu tự sát vẫn cần được nghiên cứu thêm (Louise Mewton, Gavin Andrews, 2016). Theo quá trình phát triển của tâm lý trị liệu, thuyết nhận thức – hành vi cũng đã có một số biến thể và phát triển mở rộng.

(Còn tiếp)

Đánh giá và tham vấn tại Braincare

Chúng tôi có đội ngũ chuyên gia tâm lý, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm đánh giá, tham vấn, trị liệu, chẩn đoán uy tín, mang đến lợi ích cho khách hàng. 

Braincare hướng tới trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu về lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ tinh thần tại Việt Nam, làm thay đổi thói quen và nhận thức của người Việt Nam trong việc chú trọng sức khoẻ tinh thần và tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết. Braincare “Vì cộng đồng hạnh phúc từng giây”.

Đăng kí tư vấn